TOP 10 Cách Luyện Giọng Hát Cao & Khỏe
Để phát triển giọng hát cao và khỏe cần rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, nếu bạn nghiêm túc tập luyện thật sự thì không gì là không thể. Muzika đưa ra 10 gợi ý để bạn có thể luyện giọng hát của mình mỗi ngày tốt hơn nhé!
1. Tư thế đúng
Dù đang ngồi hay đứng, bạn nên thả lỏng cơ thể cùng giữ thẳng lưng, sẽ giúp phổi và cơ hoành của bạn giãn nở đúng cách, giúp luồng hơi lưu thông tốt hơn. Việc thả lỏng cơ thể rất quan trọng bởi vì lực hát của bạn bắt nguồn từ chính cơ hoành.
- Cố gắng thả lỏng cơ bụng. Đừng làm căng cơ bụng hay hóp bụng vì sẽ khiến bạn thở không được tự nhiên.
- Dùng ngón tay cái đặt lên thanh quản sau đó nhẹ nhàng lay lay 2 bên trái phải. Động tác này giúp thư giãn dây thanh đới từ đó làm giảm sức căng tác động lên các dây thanh đới trước khi bạn hát.
2. Thở bằng cơ hoành
Cơ hoành là một bó cơ nằm bên dưới phổi có tác dụng co lại khi bạn hít vào, nhờ vậy phổi có thể nở vào không gian đó. Vì vậy khi thở ra bạn phải thả lỏng cơ hoành một cách có kiểm soát và từ tốn. Để trải nghiệm việc thở bằng cơ hoành, bạn có thể thử hát trong tư thế khom người. Chú ý tới cảm giác ở vùng bụng và âm thanh mà bạn hát. Đừng bao giờ hít vào bằng mũi vì hát nốt cao sẽ khó hơn.
3. Mở rộng khuôn miệng
Bạn hãy tập động tác giống như khi bạn đang ngáp vậy, cố gắng mở to khuôn miệng và hai hàm hơi tách nhau ra một chút như thế giọng bạn sẽ to và khỏe hơn đồng thời việc lấy hơi cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Khi làm động tác đó hãy dùng lưỡi điều chỉnh khuôn miệng sao cho lưỡi chạm vào hàm dưới. Động tác này sẽ làm cho giọng hát bạn to và vang hơn nhiều đó.
4. Tập phát âm
Hãy cố gắng điều chỉnh khẩu hình phát âm mình bằng khuôn miệng và lưỡi. Tập phát âm các âm như a, e, i, o. Việc này chỉ tốn của bạn 1, 2 phút thôi nhưng cũng sẽ giúp bạn hát hay hơn nhiều đó. Một bài hát phát âm chuẩn sẽ hay hơn bình thường phải không nào?!
5. Luyện thanh
Đương nhiên rồi, khi hát chúng ta phải luyện giọng chứ, phải không nào? Điều này ai cũng biết nhưng chỉ nên luyện giọng 1, 2 phút trước khi hát để củng cố tông giọng của mình thôi. Nhớ đừng “cố quá thành quá cố”, hãy luyện tông một cách từ từ và lên dần đừng cố quá khiến cổ họng bị khàn sẽ không hát được nữa.
6. Đừng gồng mình
Ở những nốt cao khi hát mà bạn quá gồng mình thì sẽ không lên được nốt. Lúc này bạn sẽ bị lạc nhịp nốt và bài hát sẽ trở nên khó nghe hơn. Cách tốt nhất khi lên nốt cao thì bạn hãy lấy hơi thật sâu. Nếu đã lấy hơi sâu mà không thể lên được nốt đó thì hãy chuyển biến phù hợp với giai điệu của bài hát.
7. Không ép giọng của mình quá mức
Đừng vội vàng hát các nốt quá cao so với quãng giọng của bạn vì hậu quả để lại cho sức khỏe sẽ rất nghiêm trọng. Uống ngụm nước nhỏ trước khi tập luyện hay trình diễn để giọng không bị khô. Luôn mang sẵn nước để uống khi cần.
8. Bắt chước
Việc bắt chước một người khác cũng là một cách học hát nhanh. Trước khi tập hát một bài nào đấy, hãy mở bài hát đó lên nghe thật kỹ cách ca sĩ đó xử lí bài hát, cách ngắt nhịp, cách lấy hơi và cả cách phát âm nữa. Bước đầu hãy cố tập theo những điều đó rồi xem cả sắc thái biểu cảm và cách biểu diễn của họ trước sân khấu. Hãy tập trước gương nhé!
9. Luyện tập thể lực
Tập chạy bộ hoặc tập luyện cách quãng để tăng cường sức khỏe và dung tích phổi. Khi bạn có thể lực và hít thở đúng, cột hơi của bạn trong khi hát sẽ luôn dồi dào, bạn không bị mệt hay hụt hơi.
10. Chọn bài hát phù hợp
Một người không thể nào hát được tất cả các bài hát hoặc hát được nhưng không hay. Vì thế sao chúng ta không chọn cho mình một bài hát tủ và hát nó thật hay nhỉ? Hãy chọn một bài hát mà bạn cảm thấy phù hợp với chất giọng mình nhất rồi chỉ cần tập 5 – 10 phút mỗi ngày trong khi tắm hoặc khi nấu ăn và chú ý chỉnh sửa các nốt cho đúng tông độ.